AN GIANG MỘT VÙNG ĐẤT VĂN HÓA ĐANG KHÔNG NGỪNG VƯƠN MÌNH QUA NĂM THÁNG
An Giang quê tôi, một vùng đất trữ tình với những câu chuyện huyền thoại. Nằm giáp biên giới Campuchia, nơi đây là quê hương sinh sống của nhiều dân tộc anh em, không chỉ có người Kinh, mà còn người Chăm, người Khmer, người Hoa,… Chính vì thế mà người ta hay gọi An Giang là vùng đất hội tụ văn hóa với nhiều nét đặc sắc rất riêng của những cộng đồng người sinh sống tại đây. Chắc hẳn bạn đã từng nghe qua những câu ca dao quen thuộc như:
Tri Tôn có hội đua bò
Vàm Nao có hội đua đò sang sông.
(ca dao)
Hay
Núi Sam nổi tiếng mắm kho
Châu Đốc nổi tiếng cá kho băm xoài.
(ca dao)
Với chính tôi, một người con được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, An Giang còn là nơi dòng nước lững lờ chảy qua những cánh đồng lúa bạt ngàn, nơi tiếng gió thoảng qua những đám lúa chín vàng, hòa quyện với âm vang từ lời ru của bà hay của mẹ… Đó là quê hương tôi, nơi mà mỗi bước đi trên mảnh đất này đều thấm đẫm hương vị của ký ức và tình yêu thương. Từ những mùa nước nổi mênh mông, nơi con nước đưa đẩy bao nỗi niềm và hy vọng, đến những lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, nơi người dân sum vầy cúng dường và gìn giữ những giá trị văn hóa ngàn đời, tất cả đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời tôi. Tôi đã chứng kiến bao đổi thay, từ những con đường làng xưa phủ đầy bụi đất, nay đã trở thành những tuyến phố khang trang, nhộn nhịp. Hạt gạo, con cá, trái ngọt tại chính quê tôi đang vươn mình ra thế giới, khẳng định sự phát triển và hội nhập của quê hương. Tuy nhiên, giữa dòng chảy mạnh mẽ của sự đổi mới, An Giang vẫn giữ gìn trọn vẹn vẻ đẹp văn hóa và bản sắc, những yếu tố tạo nên linh hồn của vùng đất này. Viết về An Giang đối với tôi không chỉ là kể lại câu chuyện của quê hương, mà là cách tôi gửi gắm tình yêu, lòng biết ơn và sự tự hào vô bờ bến đối với mảnh đất đã nuôi dưỡng tôi, tạo nên một phần hồn cốt của tôi trong từng hơi thở, từng nhịp đập trái tim.
Từ những ngày thơ bé, tôi đã quen với hình ảnh những con đường làng quanh co, những cánh đồng lúa bạt ngàn trải dài dưới bầu trời xanh thẳm. Nhưng giờ đây, khi đứng giữa quê hương mình, tôi nhìn thấy một An Giang khác – một An Giang tràn đầy sức sống với những con đường mới mở rộng, những cây cầu nối dài, và những công trình sừng sững vươn lên như khẳng định tầm vóc mới của vùng đất này.
Nông nghiệp không ngừng vươn mình.
Được mệnh danh là “Vùng đất nhà nông”, thành tựu trước tiên phải kể đến chính là sự đổi mới và phát triển vượt bậc trong nông nghiệp. Tỉnh tôi sau năm tháng cơ cực kháng chiến giành độc lập, đã cố gắng từng ngày đi lên, sáng tạo và đột phá với nhiều chủ trương hiệu quả. Tỉnh đã chuyển đổi từ mỗi năm một vụ lúa mùa sang “Lúa thần nông” mỗi năm cho hai đến ba vụ lúa, tăng sản lượng cũng như chất lượng lúa qua từng năm, nhà nông nhờ đó cũng có thêm nguồn kinh tế. Bên cạnh đó, tỉnh còn phát triển chương trình khuyến nông, mô hình “Cánh đồng lớn” nhằm khuyến khích người dân gia tăng sản xuất, phát triển bền vừng, xây dựng hợp tác xã và truyền đạt lại cho người dân nhiều kỹ thuật canh tác tiên tiến. Sự cần cù, làm việc không ngại gian khổ của người dân cùng với sự chỉ đạo, tư duy mới mẻ của các cấp lãnh đạo trong trong tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ và tin tưởng lẫn nhau đã thúc đẩy nền nông nghiệp của An Giang có những bước tiến vượt bậc. Kết quả đáng tự hào của sự đổi mới đã đưa An Giang từ một tỉnh đứng trước ngưỡng thiếu lương thực trầm trọng sau chiến tranh, giờ quê tôi đã trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng lương thực và xuất khẩu lúa gạo.
|
Mỗi khi đến mùa lúa chín, những thửa ruộng chuyển sắc vàng trong vòng vài tuần. Những ô ruộng vàng óng ánh trong buổi sớm mai, điểm thêm vài hàng cây thốt nốt, đến mùa này là gia đình tôi lại hân hoan gặt hái thành quả vất vả nhiều tháng qua, cả hàng xóm xung quanh nhà, nhìn những gương mặt tươi cười của họ luôn làm lòng tôi dâng lên một cảm xúc hạnh phúc lạ thường. Tôi hay là người cập nhật tin tức cho cả xóm lắm, vì tôi được đi học, được nghe thầy cô kể rất nhiều, và xem ti vi truyền đạt lại, tôi biết được “tỉnh mình đang thực hiện các chương trình canh tác bền vững như "Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao", với mục tiêu tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất và hạn chế phát thải khí nhà kính”, tôi nói liền với cha, giải thích để cha đi kể rõ hơn với mấy bác nhà nông trong xóm. Ai cũng cùng một niềm tin về tương lai sẽ tốt hơn hiện tại. Và đúng là sau vụ thu - đông năm đó, hợp tác xã của cha tôi đã tổ chức chương trình chuyển giao kỹ thuật công nghệ để tăng chất lượng lúa, cha tôi liền áp dụng và vụ sau bắt đầu có dấu hiện tốt hơn hẳn. Tỉnh tôi còn đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu gạo vào các thị trường trọng điểm, tiềm năng. Tôi thấy rõ những hiệu quả tích cực mà quá trình phát triển của tỉnh mang lại, cuộc sống của các thế hệ sau tốt hơn rất nhiều những thế hệ trước, cụ thể là chính tôi và gia đình mình cũng đã sống một cuộc sống đầy đủ hơn về cả vật chất và tinh thần. Sự tốt đẹp đó thôi thúc tôi muốn góp một phần nào đó vào sự phát triển của quê hương, truyền lại cho các thế hệ sau những điều tốt đẹp cùng hy vọng xây dựng quê nhà vững mạnh hơn.
Du lịch đã trở thành một phần không thể thiếu của quê hương.
Tôi thấy mình may mắn lắm. Tôi được sống trên vùng đất mà bao người mơ ước, vừa có đồng bằng vừa có núi, vừa có vùng bán sơn địa. Quê tôi sở hữu rất nhiều danh thắng nổi tiếng, nào là Núi Cấm, rừng tràm Trà Sư, đồi Tức Dụp và khu du lịch Núi Sam với Miếu Bà Chúa Xứ… sự hòa hợp giữa thiên nhiên, con người và văn hóa đã thu hút nhiều du khách phương xa đến thăm thú nơi đây. Kể từ khi bắt đầu “biết làm du lịch”, ngành này đã là một trong những ngành trọng điểm trong kinh tế của tỉnh. Người dân quê tôi cần cù, chất phác mà sáng tạo không kém đâu, bà con dần tạo ra các sản phẩm du lịch phong phú như du lịch sinh thái tại Rừng tràm Trà Sư, Làng bè Châu Đốc; du lịch văn hóa – tâm linh tại Miếu Bà Chúa Xứ, chùa Hang, đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng; du lịch nông nghiệp tại các làng nghề truyền thống, vườn cây ăn trái… Những cố gắng của bà con cũng đã mang đến quả ngọt, số lượng khách du lịch đến quê hương tôi không ngừng tăng trưởng, đạt hàng triệu lượt mỗi năm, mang lại nguồn thu đáng kể cho tỉnh và cả người dân. Năm 2023, doanh thu từ ngành du lịch tỉnh nhà đạt gần 6.000 tỷ đồng. Con số quá khủng với một tỉnh chủ yêu làm nông. Và An Giang quê tôi - một vùng đất giàu bản sắc và thân thiện trong lòng người ghé thăm, càng lớn tôi lại càng thấy nhiều đoàn khách nô nức đến thăm quê mình với nụ cười tươi mới trên môi. Có lẽ, tôi cũng vui giống họ khi thấy quê hương mình được yêu mến trong lòng khách phương xa.
Công nghiệp dần đổi mới.
Tỉnh tôi “chuyên làm nông”, cơ mà ngành công nghiệp cũng phát triển không kém, song hành cùng nông nghiệp của tỉnh. Trong những năm gần đây, công nghiệp của tỉnh cũng có những bước phát triển vững chắc, đặc biệt gắn liền với nông nghiệp trong lĩnh vực chế biến thủy sản, sản xuất phân bón, và các sản phẩm từ lúa gạo. Bên cạnh lúa nước, An Giang còn là thủ phủ có những ao cá trù phú, ngành chế biến thủy sản từ đó cũng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, với các sản phẩm chủ lực như cá lóc bông, cá tra, cá basa. Tôi luôn tự hào vì quê tôi sở hữu một hệ thống nhà máy chế biến thủy sản hiện đại, các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn đa quốc gia đã xuất khẩu thủy sản sang nhiều thị trường quốc tế, đặc biệt là châu Âu, Mỹ, và Nhật Bản. Con cá tôi thường thấy ở quê mình, trong những áo nước sau nhà, giờ đã được “đi chu du” khắp năm châu, thật thấy tự hào biết bao. Bạn đã bao giờ thấy nơi nào như An Giang của tôi không? Mọi thứ cứ như mắc xích với nhau, ngành này phát triển kéo ngành kia đi lên theo. Nông nghiệp phát triển kéo theo ngành sản xuất phân bón của tỉnh cũng tăng trưởng vượt bậc. Không những đáp ứng được nhu cầu của tỉnh, phân bón được sản xuất tại An Giang được phân phối trên cả nước và còn được xuất khẩu ra quốc tế. Tỉnh còn đầu tư mạnh vào công nghệ chế biến gạo, tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng như gạo cao cấp, gạo hữu cơ và các chế phẩm từ gạo, mang hạt gạo kết tinh của đất trời An Giang đến bạn bè thế giới, và An Giang quê tiếp bước trở thành một điểm sáng trong chuỗi cung ứng gạo toàn cầu.
Cơ sở hạ tầng phát triển vượt bậc.
Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các dự án giao thông, bệnh viện, và hệ thống kiểm soát lũ được nâng cấp, nhằm không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế và giao thương trong khu vực của tỉnh. Tôi dần thấy hệ thống giao thông được cải thiện rõ rệt trong những năm qua, với các tuyến đường bộ, đường thủy, và cầu nối liền các huyện, thị xã và tỉnh thành khác. Những con đường nhựa lán mịn ngày một thay thế những con đường đất mùn ngày xưa. Một trong những dự án nổi bật nhất là tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, chỉ cần tuyến đường này hoàn thành, thì bà con quê tôi có thể dễ dàng đi lại giữa các tỉnh lân cận, hàng hóa cũng được lưu thông thuận tiện hơn, thúc đẩy thương mại và còn cả du lịch nữa. Khi dân cư tăng nhanh hơn, tỉnh cũng đã tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng y tế, xây dựng và nâng cấp các bệnh viện, phòng khám và trung tâm y tế. Giúp người dân dáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng, hơn thế còn góp phần tạo nên một môi trường sống ổn định hơn, từ đó thúc đẩy sự phát triển xã hội trong tỉnh. Người dân quê tôi ngày càng thấy hạnh phúc hơn, họ vượt qua biết bao nghịch cảnh để có được cuộc sống mơ ước cho thế hệ sau. Trước đây, bà con hay gọi cuộc sống ở An Giang là “sống chung với nước lũ”. Năm nào cũng sẽ có một mùa nước ngập, có năm ngập nửa cột nhà, có năm gần đến cả sàn nhà, vậy nên bạn sẽ thấy phong cách nhà phổ biến của quê tôi là nhà sàn đấy. Và rồi “quái vật” đã được kiểm soát, mười lăm năm nay cơn nước lũ gần ngập hết nhà tôi đã biến mất. Tỉnh An Giang đã thực hiện nhiều dự án kiểm soát lũ nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân và các khu vực sản xuất nông nghiệp. Các công trình như đê điều, cống, trạm bơm và hệ thống cảnh báo sớm đã được triển khai để kiểm soát mực nước, ngăn chặn lũ lụt, bảo vệ mùa màng và giảm thiểu thiệt hại về tài sản. Những cải tiến này không chỉ giúp người dân quê tôi giảm bớt các rủi ro thiên tai mà còn tạo ra nền tảng vững chắc để phát triển bền vững, thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Gia đình tôi hay nói đùa là “giờ quái vật chỉ có được xả vào ruộng khi cần thôi, không được đi lung tung nữa”, nước lũ sẽ được xả vào ruộng để ngập phù sa cho người dân sau mỗi hai năm canh tác, cuộc sống của chúng tôi không còn phải chèo thuyền trên dòng lũ để đến nhà hàng xóm nữa.
|
|
.
|
Phát triển nhưng vẫn gìn giữ vẹn nguyên bản sắc văn hóa.
Từng đổi thay không chỉ là sự thay đổi về diện mạo, mà còn là những câu chuyện đầy cảm hứng về sự kiên cường và sáng tạo của người dân quê tôi. Song trên con đường đi lên ấy, An Giang vẫn giữ trọn linh hồn của đất, của nước, và của tình người, làm nền tảng cho sự tồn tại lâu dài của một cộng đồng luôn gắn bó sâu sắc với mảnh đất quê hương. Tất cả đều tạo nên một bản sắc riêng biệt cho vùng đất này, nơi mà quá khứ và hiện tại hòa quyện, làm nên một An Giang độc đáo trong trái tim mỗi người dân.
|
![]() |
Những lễ hội truyền thống chính là sợi dây nối quá khứ và hiện tại của quê tôi, là nơi thể hiện lòng thành kính của người dân đối với thần linh và tổ tiên, những giá trị tâm linh bao đời. Lễ hội Bà Chúa Xứ Núi Sam ở Châu Đốc là điểm nhấn quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân An Giang. Mỗi năm, vào tháng Tư âm lịch, hàng triệu người trên khắp cả nước hành hương về “đất Phương Nam” để cầu nguyện sự bình an, thịnh vượng. Lễ hội này không chỉ là một dịp thờ cúng mà còn là dịp để con cháu tỏ lòng biết ơn với những giá trị thiêng liêng đã gìn giữ và truyền lại qua bao thế hệ. Mỗi tiếng trống, mỗi tiếng chiêng vang lên, không chỉ là âm thanh của lễ hội mà còn là tiếng lòng của người dân An Giang, đầy yêu thương, hiếu kính và sự gắn kết trong cộng đồng. Tỉnh thường xuyên chỉ đạo bảo vệ, trùng tu ngôi miếu linh thiêng này. Một niềm vui không chỉ cho chính người dân An Giang, mà còn là niềm vui chung của cả nước. Vừa rồi, vào đầu tháng 12 năm 2024, di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là Di sản văn hóa phi vật thể thứ 16 của Việt Nam được UNESCO ghi danh và Di sản văn hóa phi vật thể thứ 2 của khu vực Nam Bộ (cùng với Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ) và là lễ hội truyền thống đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long được đón nhận vinh dự này. Đó là sự ghi nhận và đánh giá cao của quốc tế đối với vẻ đẹp của di sản và nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ di sản, góp phần vào khẳng định sự đa dạng, giá trị và bản sắc của văn hóa Việt Nam trong bức tranh văn hóa chung của nhân loại. Và là niềm tự hào ngàn đời của nhân dân An Giang.
|
Không chỉ có Bà Chúa Xứ, những lễ hội khác như lễ hội Ok Om Bok của người Khmer tại Tịnh Biên cũng phản ánh sự đa dạng văn hóa của quê hương này. Lễ hội này là dịp để người dân tạ ơn mặt trăng, cầu mong mùa màng bội thu, cuộc sống bình an. Vào những ngày có lễ, người dân Khmer quây quần bên nhau, không chỉ để mừng mùa màng mà còn để tôn vinh những giá trị thiên nhiên, những đức tin tâm linh đã bền vững qua bao năm tháng, còn tăng thêm sự gắn kết của cộng đồng. Người Khmer tổ chức các nghi lễ tôn vinh mặt trăng, lễ vật được dâng lên gồm bánh dày, trái cây và hoa quả, biểu trưng cho sự biết ơn của người dân đối với thiên nhiên. Và còn có các hoạt động đua thuyền với những chiếc thuyền được trang trí đẹp mắt, múa lân, múa sạp, biểu diễn các điệu múa truyền thống, tổ chức các phiên trò chơi dân gian và hội chợ. Chính những lễ hội này đã giúp cho người dân không chỉ thấu hiểu lịch sử mà còn cảm nhận được sự gắn bó mật thiết với đất trời và con người với nhau.
Quê tôi còn có các lễ hội thể thao, Lễ hội Đua bò Bảy Núi và Đua thuyền trên sông là hai nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu của An Giang. Hội đua bò, đặc biệt phổ biến ở huyện Tri Tôn nơi cư dân chủ yếu là người Khmer, là một sự kiện thể thao độc đáo và nghi thức tạ ơn thần linh, cầu mong mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no. Được tổ chức vào dịp Tết Trung thu hoặc lễ lớn, lễ hội này gắn liền với sản xuất nông nghiệp, nơi bò – biểu tượng thịnh vượng – được chăm chút, trang trí trước khi bước vào cuộc đua trên những cánh đồng rộng lớn. Người tham gia phải khéo léo, dũng cảm và đoàn kết, với nghi thức cúng bái cầu an lành trước mỗi cuộc đua. Trong khi đó, Hội đua thuyền mang không khí sôi động trên các con sông, kênh rạch vào mùa nước nổi hoặc dịp Tết. Các đội thuyền từ làng xã tham gia tranh tài trong những cuộc đua đầy kịch tính trên dòng sông Tiền, sông Hậu, hay những con kênh nhỏ. Những chiếc thuyền được trang trí rực rỡ, tiếng cổ vũ vang vọng tạo nên một lễ hội đậm tinh thần thể thao và gắn kết cộng đồng.
|
![]() |
Niềm vui trong những lễ hội không thể cuống hút tôi nhiều hơn “Ẩm thực An Giang”. Không chỉ dừng lại ở những món ăn ngon mà mỗi món ăn là một câu chuyện dài về mảnh đất, con người nơi đây. Những món ăn như lẩu mắm, bánh xèo đã trở thành phần không thể thiếu trong bữa cơm gia đình và văn hóa ẩm thực của vùng đất này. Lẩu mắm, đặc biệt, là món ăn truyền thống gắn liền với đời sống người dân ven sông, nơi có những dòng nước chảy lững lờ, nuôi sống bao con cá linh, cá sặc. Lẩu mắm không chỉ là món ăn mà còn là một phần của ký ức, là hình ảnh của những bữa cơm quây quần bên gia đình, là sự giao hòa giữa thiên nhiên và con người. Vị đậm đà, cay nồng của mắm, hương thơm của rau sống, cùng với những miếng cá tươi ngon chính là sự hòa quyện của đất, nước, và tình người trong từng ngụm nước lẩu. Cùng với lẩu mắm, bánh xèo là một món ăn dân dã, cũng gắn liền với cuộc sống nông thôn yên bình của người dân An Giang. Bánh xèo giòn tan, nhân bánh đầy ắp tôm thịt, rau sống tươi ngon, cùng với nước mắm pha chế đậm đà, tạo nên một món ăn giản dị nhưng đậm đà hương vị miền Tây.
|
|
An Giang trong mắt tôi không chỉ là một mảnh đất mà là một phần máu thịt, là nơi chôn rau cắt rốn và cũng là nơi tôi tìm thấy cả niềm tự hào lẫn những ký ức ngọt ngào không thể quên. Từ những lễ hội rộn ràng, hò reo, đến những nghi lễ trang trọng tôn thờ tín ngưỡng, tất cả đều là minh chứng cho sự sống động của văn hóa An Giang. Dù hiện tại, những con đường đã được mở rộng, những công trình hiện đại vươn mình, nhưng cái hồn cốt của An Giang vẫn không thay đổi. Đó là tình yêu quê hương, là sự trân trọng với những giá trị văn hóa lâu đời. Mỗi bước chân tôi đi trên mảnh đất này đều thấm đẫm tình yêu và lòng tự hào về một An Giang vừa kiên cường vượt qua khó khăn, vừa nở rộ những khát vọng vươn xa, vừa giữ trong mình những nét văn hóa chưa từng đổi thay. Và tôi, một người con của mảnh đất này, sẽ mãi gửi gắm trong lòng mình những hình ảnh đẹp về quê hương, khi bước đi ở đâu, tôi vẫn luôn mang theo An Giang trong từng hơi thở, từng nhịp đập trái tim. An Giang sẽ mãi là nơi tôi luôn nhớ về, là nơi tôi gọi là nhà.
Thí sinh dự thi Phạm Thanh Thảo Quyên - Chi bộ Trường THCS Phú Long